Chú Giải Tin Mừng Thứ Ba Tuần XXIII Mùa Thường Niên (Lc 6,12-19) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BA TUẦN XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 6,12-19

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I : 1 Cr 6,1-11

Khi xảy ra tranh chấp với kẻ khác, có người trong anh em dám đi kiện cáo trước mặt người ngoại mà không nại đến trước mặt giáo dân.

Ở đây Phaolô khiển trách Kitô hữu Côrintô đi thưa kiện nơi các tòa án. Thực sự, chúng ta biết được rằng các lời tuyên thệ của các tòa án đều theo các công thức sặc mùi tà thần, điều cấm kỵ cho các tín hữu … Hơn nữa, luật lệ ngoại giáo lại khá phóng khoáng trong cách phê phán và không lưu tâm đến các nguyên tắc Tin Mừng. Vì thế, Phaolô khuyên bảo phải chọn những người “khôn ngoan” trong cộng đồng để thu xếp các vụ kiện cáo giữa các Kitô hữu.

NGÀY NAY, điều này đặt ra vấn đề về sự thấm nhập tinh thần phúc âm vào trong các “cơ quan” hành chánh, tư pháp, chính trị, nghiệp đoàn. Một Kitô hữu, khi tham gia vào đời sống xã hội không thể đặt Đức tin mình trong dấu ngoặc : một phần tinh thần ngoại giáo đang lưu thông trong các tâm trạng và trong các cơ cấu của thành thị, của nghề nghiệp, của gia đình … Ngày nay, không còn vấn đề Kitô hữu sống “ngoài lề” nữa, nhưng không phải vì thế mà trở nên “không sắc, vô màu, vô vị ?” . Kitô hữu dấn thân vào lãnh vực trần thế, không thể giống con tắc kè dễ thay đổi màu sắc theo hoàn cảnh được.

Nào anh em chẳng biết rằng các người tín hữu sẽ xét xử thế gian sao ?

Phaolô gợi lại một lời của Đức Giêsu, loan báo rằng các chi thể của Đức Kitô, vào thời cuối cùng, sẽ được tham dự vào quyền vương giả và xét xử của vị lãnh đạo mình. “Anh em sẽ được ngự trên 12 tòa nhà mà xét xử 12 chi tộc Israel” (Mt 19,28).

Một trách nhiệm lớn lao ! Nhưng không nên kiêu hãnh ! Vì đó là trọng trách. Nên có bổn phận phê phán và xét xử ! Và ta nên nhớ là vương quốc đã khởi sự : Sự đoán xét của Thiên Chúa (mà các Kitô hữu dự phần) đã bắt đầu thực hiện trong việc dấn thân mà các Kitô hữu với tư cách là Kitô hữu trong xã hội trần thế đảm trách. Tôi duyệt lại trong trí nhớ, những trách nhiệm khác nhau của tôi.

Dù sao, nguyên việc anh em kiện cáo nhau, đã là một thất bại cho anh em rồi, lại còn đem ra trước tòa những người không có Đức tin.

Vẫn là nhận định về truyền giáo : ta lấy dấu nào để chứng minh cách sống của ta với người đời ? Ở đây Thánh Phaolô đi rất xa. Ngoài gương xấu đem nhau ra trước tòa án ngoại giáo, ông quả quyết còn có sự thất bại vì đã rạn nứt trong lý tưởng đạo giáo, đã chia rẽ trong anh em.

Ta có thể cho là viễn vông trước lời quả quyết về một lý tưởng như thế, khi nghe đến những cuộc chống đối mãnh liệt của thời nay giữa các đoàn thể Kitô hữu, không phải từng cá nhân với nhau, mà còn công khai phân bè chia cánh bằng báo chí nữa !

Tại sao anh em chẳng thà chịu bất công ? Tại sao anh em chẳng thà chịu thiệt thòi ?

Điều có vẻ viễn vông, nếu ta hiểu Tin Mừng, sát từng chữ ! “Nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái … Nếu ai muốn kiện anh em để cướp lấy áo trong, thì hãy cho nó lấy cả áo ngoài” (Mt 5,39-40).

Trước khi nói rằng việc ấy là bất khả, có lẽ tôi tự hỏi xem, trong thực tế, sự tha thứ và lòng nhẫn nhục, thỉnh thoảng lại không có hiệu quả hơn thái độ ngược lại sao ?

Hơn nữa, đứng trước sự hung bạo leo thang quá mức, biết đâu người Kitô hữu lại không phải giúp người đời chú ý bằng cách đi ngược lại kẻ khác, khi phải hy sinh chính mình để theo Tin Mừng sát từng chữ.

Những kẻ bất chính sẽ không được Nước Chúa làm cơ nghiệp … Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, trụy lạc, đồng tình luyến ái, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, hà tiện … Có vài người trong anh em đã là thế, nhưng anh em đã được tẩy rửa, được thánh hóa.

Đó là những thói xấu thông thường của xã hội thời Thánh Phaolô. Chính các Kitô hữu Côrintô đã sống trong thế giới ấy. Thế nào là phần “thánh thiện” của tôi ?

Bài đọc II : Cl 2,6-15

Anh em hãy sống trong Chúa Giêsu Kitô. Sống “trong Chúa Kitô” … “in Christo” …

Công thức này, được gặp 164 lần trong các thư của Thánh Phaolô, là một trong những công thức diễn tả hoàn hảo nhất ý tưởng sâu sắc của Ngài.

Chúng ta ở “trong Đức Kitô”, như trong một môi trường sống động, môi trường thần linh, như đứa trẻ trong lòng mẹ và sống nhờ mẹ.

Hãy đâm rễ và xây dựng trong Người.

Hai hình ảnh : một cây lớn lên … mà “rễ” là Chúa Kitô … Một đền đài xây nên … mà Chúa Kitô là “nền”.

Hãy kiên trì trong lòng tin, như anh em đã học biết, hãy đầy lòng cảm tạ trong Người.

Phải, để theo đuổi hình ảnh này :

- Nhựa của cây sống này là Đức tin và niềm vui tạ ơn.

- Ximăng bảo đảm việc xây cất được vững chắc, là Đức tin và niềm vui.

Đừng quên rằng từ “tạ ơn” được Phaolô dùng là từ “Eucharistia” (Thánh lễ tạ ơn). Hãy ngập tràn Thánh Thể … Hãy dư đầy Thánh Thể …

Anh em hãy cẩn thận, đừng để ai lấy triết lý và những mánh khóe gian xảo mà lừa dối anh em, theo truyền thống loài người, những yếu tố phàm trần, chứ không theo Đức Kitô.

Dân Côlôxê bị cám dỗ nhận những ý thức hệ theo thời : khi đó là việc thờ kính tinh tú, hay “những nguyên tố của thế giới” do các thần linh, các Thiên Thần đồng hóa và ngự trị.

Và chúng ta hôm nay, chúng ta bị cám dỗ đặt niềm tin tưởng quá đáng như vậy vào đâu ? … Chúng ta có khuynh hướng tuyệt đối hóa triết lý, hệ thống nào ?

Đức Kitô đã giải thoát các môn đệ Người khỏi mọi lệ thuộc, khỏi mọi sự nô lệ về ý tưởng hay tà thuật nào : Các sức mạnh thiên nhiên, các quy định chính trị và kỹ thuật được nâng lên hàng thần tượng … Đức Kitô làm cho chúng thành vô hiệu. Người Kitô hữu được giải thoát khỏi mọi cấm kỵ, khỏi mọi sợ hãi.

Nơi Người chứa đựng tất cả sự viên mãn của bản tính Chúa.

Không có điều tuyệt đối nào khác ngoài Chúa Kitô … Thiên Chúa ở trong Người theo xác thể ! Chất thể Linh Thánh duy nhất là thân thể Người.

Trong Người, anh em cũng được sung mãn.

Sự chống đối rõ rệt của hai câu đặt cạnh nhau này nói lại với chúng ta rằng : Đức Kitô đã thông ban sự sống Thần linh Người cho nhân loại. Ưu quyền tuyệt đối của Chúa Giêsu trên mọi thứ khác của thiên nhiên, tăng gấp ưu thế của con người trên mọi vật. Con người không phải tùng phục bất cứ sự gì … trừ một mình Đức Kitô … Và chính mọi sự mới phải phục tùng con người.

Điều đó khai sáng sâu xa công việc của loài người : “Hãy cai quản trái đất”.

Trong Người, anh em cũng được sung mãn, chính Người là đầu mọi thủ lĩnh và quyền năng. Người đã truất phế các quyền lực thần thiêng, đã điệu chúng đi trong đám rước khải hoàn thập giá.

Mọi thứ áp bức chúng ta đều bị đánh bại … ít ra là trong hy vọng !

Không còn quyền lực tác hại nữa.

Nhờ phép Rửa tội, anh em đã được mai táng làm một với Đức Kitô, anh em cũng được sống lại với Người.

Như Chúa Giêsu, Phaolô không hề tách rời hai mầu nhiệm này. Việc thông hiệp “sự sống” của Chúa còn hơn hiện tượng của “những bình thông nhau”, đây là hiện tượng đồng hóa : “Tôi đã ở trong Đức Kitô”, khi Người xuống mồ và ra khỏi đó. Sự vinh thắng. Sự sống của Người, là của tôi.

BÀI TIN MỪNG : Lc 6,12-19

Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

Tôi thử dừng lại hồi lâu để chiêm ngưỡng Đức Giêsu đang cầu nguyện.

Mười một lần … trong Tin Mừng, Luca sẽ nói về việc “cầu nguyện” của Đức Giêsu.

- 3,21 : Ngày Chúa chịu phép rửa tại sông Giođan bởi Gioan Tẩy Giả.

- 5,16 : Khi nhiều đám đông dân chúng tụ họp nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh.

- 6,12 : Chiều hôm trước ngày Người chọn các Tông đồ.

- 9,18 : Ngay trước khi Người đòi Phêrô “tuyên xưng Đức tin” tại Xêsarê …

- 9,28 : Tại núi biến hình, ngay sau khi Người loan báo cái chết.

- 10,21 : Khi các môn đệ một mình đi truyền giáo lần đầu tiên trở về …

- 11,1 : Trước lúc dạy “kinh Lạy Cha” cho các bạn hữu Người.

- 22,32 : Trước cuộc Thụ Khổ, cầu cho Đức tin của Phêrô khỏi bị tiêu diệt …

- 22,41 : Trong cơn hấp hối tại Vườn lúc đêm khuya, ở Giêtsêmani.

- 23,34 : Trong khi người ta đóng đinh Người, để xin ơn tha thứ cho các lý hình …

- 23,46 : Vào giây phút cuối cùng, trước khi giao phó linh hồn Người trong tay Chúa Cha.

Đến sáng, Người kêu gọi các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông …

Rõ ràng, đó là chủ điểm mà Người cầu nguyện suốt đêm : cầu cho Giáo Hội ! Dự kiến đó còn kép dài cho đến hôm nay.

Đó là giây phút long trọng đối với lịch sử nhân loại, khi thiết lập “Nhóm Mười Hai”. Đức Giêsu chỉ trao ban sứ vụ cho họ, sau khi đã cầu nguyện suốt đêm !

Đức Giêsu không phải là một Rabbi bình thường. Người không phải là một ông thầy có một số môn đệ vây quanh … Người luôn ý thức đến vai trò đặc biệt mà Người nhân danh Thiên Chúa phải thể hiện trong thế giới. Đó là một công trình của Thiên Chúa mà Người phải thi hành, Đức Giêsu phát động công trình đó trong lịch sử, nhờ kết hợp với Cha Người.

Ngày nay, tôi cũng cùng liên kết với Đức Giêsu, luôn cầu nguyện cho Giáo Hội. Tình yêu và lòng trung thành của tôi đối với các Đức Giám Mục, và Đức Giáo Hoàng ra sao ?

Người gọi họ là Tông đồ …

Luca là Thánh sử duy nhất ghi lại : chính Đức Giêsu đã đặt cho họ tên đó … APOSTOLOI là tiếng Hy Lạp. Từ “Apostoloi” nhấn mạnh đến việc “được người nào đó sai đi”. Có thể phải dịch câu trên là : “Người đặt tên cho họ là những kẻ được sai đi”. Mối liên hệ đầu tiên của người Tông đồ không phải đối với “Đấng sai gởi họ”. Đó là “sứ vụ” cốt yếu.

Là Tông đồ, nghĩa là lệ thuộc vào Đức Giêsu … là được chính Người sai đi … là trở nên xướng ngôn viên của Người … là trung thành với công tác mà Người nhờ ta thực hiện.

Tôi có là Tông đồ trong môi trường, trong gia đình, trong việc làm, trong kinh nguyện của tôi không ? Tôi có ý thức rằng, Đức Giêsu đang chờ đợi điều gì đó nơi tôi và Người sai tôi đi không ?

Người Tông đồ đích thực không chiếm đoạt, không lôi kéo cho riêng mình … nhưng hướng tới việc gặp gỡ riêng tư với Đức Giêsu. Simon, Anrê, Giacôbê, Gioan, Philipphê, Batôlômêô, Mát-thêu, Tôma, Giacôbê, Simon biệt danh là Quá khích, Giu-đa và Giu-đa Iscariô, người sau này là kẻ phản bội.

Dù đã được Đức Giêsu cầu nguyện cho suốt đêm … dù đã được tuyển chọn cách kỳ diệu … dù đã được chính Người đích thân giáo dục 3 năm … thế mà “một trong số họ đã trở thành kẻ phản bội”. Tự do của con người, ôi thật là một điều huyền nhiệm !

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Chúa tuyển chọn mười hai Tông Đồ

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG :

1. “Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa …”:

Luca trình bày việc tuyển chọn các Tông đồ sau một đêm cầu nguyện là để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đó.

Các giáo phụ cũng hay lưu ý đến thái độ đặc biệt của Chúa Giêsu trước mọi việc hệ trọng cũng như mọi biến cố khác thường trong đời công khai của Người, như thể nhân tính Người cần tiếp xúc lâu dài và tĩnh mịch với Thiên Chúa Cha.

Đã hẳn, kinh nghiệm của Chúa vốn tôn trọng sự tự do con người, bằng chứng là Giuđa hư đi, nhưng kinh nghiệm đó có sức mạnh phi thường để biến những người tầm thường thành những chứng nhân anh dũng của Nước Chúa.

Việc Chúa cầu nguyện suốt đêm còn cho thấy rằng Chúa Giêsu không phải là một pháp sư chiêu mộ môn sinh, mà là nhân vật ý thức được trách nhiệm của mình đối với toàn thế giới nhân danh Thiên Chúa, và Người biết rõ : chỉ có sống kết hiệp với Chúa Cha mới chu toàn được trách nhiệm đó.

Noi gương Chúa, người tông đồ phải biết chăm lo cầu nguyện để trước nhất thờ phượng Thiên Chúa là Cha, tiếp đến là có dịp tiếp xúc với Chúa để được đón nhận sức sống của Chúa và sau hết là để nhận lãnh ý Chúa trong mỗi công việc nhất là những việc quan trọng.

2. “Chọn mười hai Tông đồ” :

Đối với Chúa Giêsu, con số 12 có một giá trị tượng trưng : các Tông đồ là 12 viên đá sống thay thế cho 12 viên đá lấy ở sông Giođan (Gs 4, 1-6) cho đền thờ mới. Các ngài là tổ phụ cho dân tộc mới và là quan xét để xét xử các công dân của Vương Quốc tương lai.

Ngày nay, tiếp nối sứ vụ của thánh Phaolô là Đức Giáo Hoàng, và tiếp nối sứ vụ của các Tông Đồ là các Giám mục, và Linh mục là đại diện của Đức Giám Mục trong việc chăm sóc và điều khiển dân Chúa. Ý nghĩa này khơi dậy cho người Kitô hữu có lòng yêu mến, vâng phục và trung thành với Đấng Bản quyền của mình trong Hội thánh, và nhiệt tình góp phần mình vào việc xây dựng và phát triển Hội thánh.

3. “Tông đồ” :Có nghĩa là được sai đi, là thừa sai. Tước hiệu đó vừa chỉ các ngài lệ thuộc vào Chúa Kitô, Đấng đã chọn các ngài và sai các ngài đi; vừa chỉ vai trò sứ giả của các ngài. Các ngài phải là những nhân chứng về giáo huấn và về sự sống lại của Chúa Kitô giữa thế gian (Cv 1, 21).

Mang danh nghĩa người tông đồ của Chúa, chúng ta phải biết mình thuộc về Chúa và là công việc của Chúa. Vì thế người tông đồ luôn luôn tìm thánh ý Chúa chứ không được tìm ý riêng mình.

4. “Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông …” :

Chọn 12 Tông đồ xong, Chúa Giêsu cùng các ngài xuống núi, thì các môn đệ và dân chúng từ khắp nơi tuôn đến Người, để nghe giảng dạy và xin chữa bệnh.

Xuống núi có nghĩa là đến đồng bằng, nơi sinh sống của đại chúng đang vất vả vật lộn với nhu cầu của đời sống hằng ngày, và vì không được thỏa mãn, họ tìm sứ điệp mang lại cho họ niềm hy vọng, vì thế họ đã đến với Chúa Giêsu để nghe giảng dạy và xin chữa bệnh.

Người tông đồ phải diễn lại nơi mình tâm tình, và tinh thần và công việc của Chúa Giêsu để đáp ứng niềm hy vọng của mọi người.

5. Theo tường thuật của các sách Tin Mừng, ta thấy Chúa Giêsu rất thận trọng về ơn kêu gọi các Tông đồ.

Trước hết Chúa kêu gọi những ai muốn theo Người (Mc 1, 16-20).

Rồi chính Chúa ra tay huấn luyện họ bằng lời giảng, bằng gương đời sống, bằng cho đi thực tập.

Tiếp đến Người chọn lọc lấy mười hai vị (Lc 6, 12-19).

Sau hết, Chúa sai các ngài đi truyền giáo khắp thế gian, sau khi đã lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần (Cv 1, 8).

Nhận thức được ý nghĩa của sự nhận thức quan trọng như vậy của người tông đồ, chúng ta muốn trở thành người tông đồ của Chúa thì một đàng phải tin tưởng và phó thác vào tình thương của Chúa là Đấng gọi mình; đàng khác phải tự đào tạo cho cuộc sống toàn diện của mình được trọn vẹn cho Chúa và khí cụ đắc lực của Chúa.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.